Nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu cà gai leo

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất. Điển hình là mô hình trồng và chế biến cây cà gai leo của Hợp tác xã dược liệu Cự Nẫm tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. 

Cà gai leo hay còn được gọi là cà gai dây, cà vạnh, cà lù, cà bò và có tên khoa học là Solanum procumbens thuộc họ Solanaceae. Là cây thuốc nam được y học cổ truyền ghi nhận có chứa một số thành phần chất hóa học quan trọng như: Flavonoid, saponin, sterol, alkaloid,… Đồng thời, phần lá và rễ cà có nhiều dược tính hỗ trợ cho sức khỏe con người như: Solamnia A, Solamnia B, glycoalkaloid, 3beta hydroxy 5 alpha pregnan 16 on, dihydro lanosterol… Xuất phát từ cây thuốc quý và có giá trị kinh tế cao, vì vậy người dân tỉnh Quảng Bình đã khôi phục trồng và chế biến thành công dược phẩm cà gai leo từ đó giàu lên nhờ trồng cây dược liệu.

Cây dược liệu cà gai leo gó

Đến tham quan mô hình trồng cây dược liệu của HTX Cự Nẫm trong những ngày giữa tháng 3, chị Giang – Giám đốc HTX dẫn chúng tôi đến các khu vườn của người dân liên kết trồng cây dược liệu cà gai leo. Chị chia sẻ khâu làm đất rất quan trọng, đất phải cao ráo, tơi xốp thoát nước tốt lên luống rộng 0,7m, rãnh sâu 30cm, để cây khỏi bị thối rễ.

Ngoài ra cần màng phủ nilon để ngăn ngừa cỏ dại mọc và giữ ẩm cho cây. Chị cho biết thêm yếu tố quyết định vẫn là khâu chăm sóc quá trình bón phân phải sử dụng phân chuồng, phân vi sinh, không nên sử dụng phân hoá học vì sẽ làm giảm khả năng chống sâu bệnh của cây và gây giảm hoạt chất dược tính có trong cây. “Cây cà gai leo được trồng và chăm sóc đủ 6 tháng mới thu hoạch để có nhiều dược tính và chất lượng cao nhất. Vì là cây dược liệu nên chúng tôi rất chú trọng đến việc sản xuất an toàn” chị Giang chia sẻ.

Nông dân HTX dược liệu Thanh Bình tất bật làm đất và vô phân chuồng chuẩn bị bước vào vụ trồng cây dược liệu cà gai leo mới.

Chị Liên Hương, thành viên của HTX cho biết: Gia đình có gần 1 ha đất màu, trước đây chỉ trồng sắn, khoai, ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy mô hình trồng cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2018 chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Cây cà gai leo dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, phát triển nhanh. Tham gia trồng cây cà gai leo, chị được hỗ trợ cây giống, HTX hướng dẫn tận tình kỹ thuật canh tác, bao tiêu đầu ra. Với 1kg cà gai leo tươi giá dao động theo thị trường từ 10.000-15.000 đồng, thu hoạch 2 lứa/năm, mỗi năm gia đình thu về hơn 50 triệu đồng, cao gấp nhiều so với cây trồng khác.

Có thể nói, thành công của mô hình trồng cây cà gai leo trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi thành công cơ cấu giống cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết, từ mô hình trồng cây dược liệu của HTX Thanh Bình bước đầu khẳng định cây cà gai leo phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình việc trồng và chăm sóc cây đơn giản, cây sinh trưởng phát triển nhanh và mang lại thu nhập cao.

Nguyễn Hoàng

Nguồn:https://thiennhienmoitruong.vn/nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tu-cay-duoc-lieu-ca-gai-leo.html

Bình luận trên Facebook